Giới thiệu về điều kiện tự nhiên của thị trấn Lương Sơn
1. Địa hình, địa mạo: Căn cứ
vào bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 và kết quả khảo sát thực địa cho thấy thị trấn Lương Sơn thuộc vùng trung du, địa
hình được chia ra làm hai phần rõ rệt, khu vực phía Nam của thị trấn (nằm phía
nam Quốc lộ 1A) là đất đồi cát cao khoảng 130m, còn lại khu vực phía Bắc là
vùng đồng bằng có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 25 m.
2. Khí hậu: Lương Sơn là một thị trấn phía Nam huyện Bắc Bình do
vậy khí hậu có đặc điểm chung với khí hậu của huyện là khí hậu nhiệt đới gió
mùa, mang nét đặc trưng của khí hậu bán khô hạn của vùng cực Nam Trung Bộ, gồm
2 mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô:
- Khí hậu
khắc nghiệt với các đặc trưng khô, nóng, lượng mưa hàng năm thấp, mưa tập trung
theo mùa gây lũ quét, ngập úng trong mùa mưa và khô hạn vào mùa nắng.
- Mùa mưa
từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa
trung bình năm đạt 818 mm, số ngày mưa khoảng 77 ngày/năm.
- Nhiệt
độ bình quân ngày khoảng 26,9oC, thấp nhất khoảng 22oC
vào khoảng tháng 11, tháng 12, cao nhất 32oC vào tháng 5 và tháng 6.
- Độ ẩm không khí trung bình khoảng từ 75-80%.
- Gió chủ yếu là gió Tây Nam (thổi từ tháng 4 đến tháng 9)
và Đông Bắc (thổi từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau).
3. Tài nguyên thiên nhiên
a. Tài nguyên đất: Trên cơ sở số liệu tài nguyên
đất được xây dựng và chuyển đổi tên sang hệ thống FAO – UNESCO năm 1997 và điều tra bổ sung thì tài nguyên đất của thị
trấn Lương Sơn có 03 nhóm đất chính:
- Nhóm đất xám (Acrisols) trên phù sa cổ: phân bố ở phía Bắc thị trấn
giáp với đường sắt Bắc – Nam có diện tích khoảng 713 ha. Nhóm đất này có độ màu
mỡ tương đối cao, phù hợp với các loại cây màu, cây lương thực.
- Nhóm đất cát
(Arenosols): phân bố ở phía Nam thị trấn chủ yếu là vùng đồi cao. Đất này
được hình thành do sự hoạt động phối hợp giữa thủy triều, các dòng chảy của
nước, gió và sóng biển. Đây là loại đất tương đối trẻ, được cấu tạo bằng những
vật liệu thô, rời rạc.
- Nhóm đất phù
sa (Fluvisols): là những dãy đất hẹp bằng phẳng, phân bố dọc sông Lũy, là loại đất phù sa được bồi. Đất
có độ PH cao (PH từ 5,5-6,6) lượng chứa cation trao đổi khá và độ no bazơ tương
đối lớn, khoảng 98%. Diện tích nhóm đất
này khoảng 1.054,43 ha.
- Tài nguyên nước:Nguồn nước
mặt: Nước mặt cung cấp cho sản xuất và
sinh hoạt chủ yếu là hệ thống Sông Lũy, kênh mương nội đồng. Nguồn nước
ngầm: Nước ngầm chưa được điều tra, đánh giá cụ thể nhưng qua thực tế sử dụng
nước ngầm của nhân dân cho thấy nước ngầm có trữ lượng thấp, chất lượng nước
không tốt thường bị nhiễm mặn, phân bố không đều. Có nơi khoan 4 - 8 m là có
nước ngọt, lưu lượng nước khai thác bình quân 1-10 m3 đạt hiệu quả
thấp trong sản xuất và sinh hoạt.
- Tài nguyên khoáng sản: Theo kết
quả điều tra đến nay trên địa bàn thị trấn hầu như không có khoáng sản quý, mà
chủ yếu là sét làm gạch ngói (phân bố ở Lương Bắc), khai thác đá (Bắc Sơn) và
cát xây dựng dọc Sông Lũy. Với kết quả điều tra hiện nay, nhìn
chung khoáng sản của Lương Sơn không nhiều, trữ lượng nhỏ, phân tán và ít có
giá trị khai thác công nghiệp.
- Tài nguyên rừng: Theo kết
quả thống kê kiểm kê đất
đai năm 2010 của thị trấn và khảo sát
thực địa thì diện tích đất lâm nghiệp hiện nay của thị trấn không còn.
- Tài nguyên nhân văn: Lương Sơn là nơi hội tụ của nhiều dân
tộc anh em, trong đó người Kinh chiếm đa số. Các dân tộc luôn kề vai sát cánh
với nhau, đồng thời năng động sáng tạo, có ý thức tự lực, tự cường khắc phục
khó khăn, thừa kế và phát huy kinh nghiệm. Đây thực sự là thế mạnh lớn đưa
Lương Sơn phát triển trong tương lai.